SOLANIN's review.

Solanin

Bản thân tôi không đủ sâu sắc để viết một cái review tử tế cho Solanin. Nhưng những thước phim dịu dàng đến ám ảnh đó cứ làm tôi bồn chồn day dứt mãi, để rồi nếu không viết ra đây, có lẽ tôi sẽ chẳng thể nào ngủ được.

Solanin, một bộ phim của Miyazaki Aoi nằm trong máy khá lâu nhưng đến tận hôm nay tôi mới xem trọn vẹn. Thực ra thì, tôi đã luôn tránh đẩy mình vào hoàn cảnh phải xem Solanin. Thay vào đó tôi buộc bản thân thỏa mãn với Shutter, Blind và những bộ phim kinh dị khác, tôi buộc mình phải sợ hãi. Bởi Solanin, nội dung của phim có phần giống với cuộc đời tôi đang sống, và, bằng một cách nào đó, tôi đã nghĩ rằng nếu phải chứng kiến lại đời mình dàn trải bằng những con người khác nhau, những nỗi buồn và đau đớn khác nhau, tôi sẽ chẳng bao giờ dám xem tới đoạn kết.

Vậy mà, chiều nay, có lẽ ai đó đã quyết định rằng tôi phải xem, đã đến lúc rồi, thế là tôi dành ra hơn hai tiếng đồng hồ không phải để xem, mà là để dung hòa, chiêm nghiệm, khóc và cười, và lồng ngực tôi vỡ nát, cũng có lúc nó trào lộng, cùng với Solanin, với Meiko, với Taneda, với Billy, con ếch xanh, với sự trưởng thành tựa hồ một giấc mơ nhòe nhoẹt của bầu trời mùa hè, bầu trời dường như vô tận và mênh mông trong đôi mắt của từng nhân vật.

Tôi muốn bắt đầu bằng câu nói này: Trưởng thành là một điều gì đó đau đớn thật.

Solanin mở ra bằng một đoạn hồi ức của Meiko, nhân vật chính, một cô gái quá trẻ thích hút thuốc, làm công việc bưng bê và sắp xếp các cuộc họp trong một công ty kiểu mẫu của nhật, sống trong căn hộ nhỏ cùng Taneda Naruo, bạn trai cô, người cô rất ít khi gọi bằng tên riêng. Mọi chuyện nhàm chán cứ trôi qua đều đặn như cuộc sống hạn hẹp của cô, Taneda, ban nhạc rock hết thời gào thét những câu từ vô nghĩa đại loại như wow bean bean của anh bạn trai và nhóm cạ từ thời đại học, cái thời mà tất cả tưởng chừng như bầu trời này là mênh mông và bất biến lắm. Đó là thời của những ước mơ, những bất ổn về sự trưởng thành. Sẽ không có gì xảy ra nếu vào một buổi sáng bình thường Meiko không bắt gặp quả bóng bay đỏ tuột khỏi tay cô trôi vào bầu trời hè mát rượi. Quả bóng đỏ, có lẽ là một điều gì đó mơ hồ như cái đỏ lẻ loi của nó, của những tự do khoáng đạt mà cô tin, của những tháng ngày cuồng nộ cùng rock, cùng những khát vọng bị dập vùi và sự thối nát của công việc, sếp rập khuôn có phần biến thái. Quả bóng đỏ lững lờ nơi ban công phần nào tượng trưng cho cuộc sống hiện tại của Meiko, lấp lửng, lưng chừng, không cao không thấp, chính vì thế mà nó nhàm chán và quá đỗi buồn. Vậy nên theo trái bóng bay lên xa tít, ngày hôm đó Meiko xin thôi việc và ra ngoài đi dạo, ngắm lũ trẻ chơi đùa, mua một đôi giày ở chỗ Ai-chan và mặc kệ tất thảy mọi thứ.

Đó là khởi đầu của Solanin, một khởi đầu thật sự, như cái tên của nó vậy.

“Taneda nè, solanin nghĩa là gì vậy?”
“Là những hạt mầm xấu trên củ khoai tây ấy”

Những hạt mầm xấu đã được gieo trồng, và bằng cách đó, câu chuyện về một quãng đời mà ta có thể dễ dàng bắt gặp đâu đó ngoài kia của những người trẻ được kể lại một cách chậm rãi, dịu dàng. Có những khung cảnh đan xen, có những con người vấp vào nhau, tan vào nhau, cùng nhau cất tiếng, nhưng rõ ràng âm thanh nhỏ bé đó đã chẳng thể nào chạm tới những giấc mơ.

Sự trưởng thành trong Solanin ám ảnh từng nhân vật. Trải suốt bộ phim là một cảm giác lãng đãng và yên lặng, không thể định hình trôi tuột qua đầu ngón tay, qua nước mắt. Tôi khóc cho tuổi trẻ của họ, bởi họ không rơi nước mắt cho tuổi trẻ của mình.

Meiko yêu bạn trai, Taneda Naruo, Taneda-kun, ca sĩ chính của Rotti. Họ yêu nhau đúng nghĩa một tình yêu sinh viên, nghĩa là luôn nghĩ rằng chúng ta sẽ mãi mãi thế này. Taneda đặt cả cuộc sống của mình vào âm nhạc, vào rock chân chính, vào những tiếng bass trầm, tiếng guitar rít lên trong không gian đẫm mùi mồ hôi đặc, trong tiếng trống dội vào những bức tường, ánh đèn của sân khấu chiếu thẳng vào đồng tử, tiếng người hét lên trong sung sướng và phẫn nộ. Đó là đức tin của anh, là một phần quan trọng và rất dễ tổn thương anh cất giữ tận sâu trong lòng mình. Vào ban ngày, Taneda làm công việc ghép ảnh cho những cô người mẫu áo tắm, lúc nào cũng đeo tai nghe với tiếng guitar và rock nhiệt thành để khỏa lấp cái thực tại nghiệt ngã, cái hiện thực đập tan nát giấc mơ nhỏ của anh, rằng một ngày nào đó có thể dùng âm nhạc của mình để thay đổi cả thế giới. Nhưng rốt cuộc khi gỡ bỏ tai nghe, khi mở mắt, khi một ngày lại bắt đầu, khi ngắm nhìn mọi thứ, Taneda biết guitar và âm nhạc vĩnh viễn chỉ là một khát khao cháy bỏng rát đến âm ỉ trong tim anh, không cách nào thành hiện thực. Anh đã thử tin tưởng, anh đã nỗ lực đến kiệt cùng, cùng nụ cười và lời động viên của Meiko, của ban nhạc, của đồng 5 xu và những lời cầu nguyện. Để đến cuối cùng, anh đã nhận được những gì? Một hợp đồng âm nhạc, phải, một hợp đồng làm nền cho một người mẫu từng bước trở thành cái gì đó mang danh idol, kẻ cả đời chỉ biết diễn trò trước ống kính. Cảm giác đó hiển hiện rõ ràng đến nỗi ngực tôi đau như bị bóp nghẹt, cái cảm giác của chết đuối, khi nước ép chặt dưới một độ sâu nhất định và ta biết rằng mình sắp chết mà bất lực. Cảm giác tàn nhẫn mà vĩ đại ấy xâm chiếm toàn bộ khung hình trong phim, gói gọn lại với dáng ngồi cứng nhắc như đang gắng gượng, đang chống đỡ của Taneda. Câm lặng đến đau lòng. Có lẽ, đó là lí do vì sao, ngay cả khi biết rằng trên đời này có một điều quan trọng dành cho anh, biết rằng xung quanh lúc nào cũng có những người yêu thương anh, Taneda vẫn chẳng thể nào ngừng khóc. Bởi, có thể giấc mơ của anh tựa như sự sống. Tựa như sợi dây nối Taneda lại với cuộc sống và công việc nhàm chán này, để anh có thể cười nói, có thể chơi đùa với bạn bè, có thể cho mình quyền hi vọng. Nếu sợi dây đó đứt, mối liên kết mong manh sẽ vỡ tan. Taneda còn quá trẻ, mà người trẻ một khi đã tổn thương sẽ chẳng dễ lành. Vết thương to lớn để lại trong Taneda một lỗ hổng quá sâu, sâu đến nỗi dù vùi đầu vào công việc, dù tự nhủ rằng mình còn có Meiko, còn có nhà để trở về, tất cả vẫn là không đủ để anh có can đảm tiếp tục sống. Chi tiết Taneda không kịp nói “anh yêu em” với Meiko, tôi đã phần nào đoán biết được điều kế tiếp. Và nó làm tôi sợ hãi. Taneda Naruo chết. Vượt đèn đỏ. Khoảnh khắc phóng nhanh trên đường, để mặc nỗi đau theo gió tràn ra qua nước mắt, anh nghĩ gì? Mọi thứ dường như chỉ còn là vô định, và Taneda cứ thế lao đi, như thể nếu cứ lao đi anh sẽ đến được với giấc mơ của mình. Taneda chết, nhắc lại, hình ảnh cuối cùng là một bầu trời xanh, mênh mông và vô tận. Màu xanh ấy cũng giống bầu trời thời sinh viên, khi chúng ta bên nhau và vờ như thực tại là một điều trải nghiệm, bầu trời ấy cũng giống như bây giờ. Vậy sao chúng ta lại quá khác nhau? Taneda khi ấy, Taneda lúc này. Điều duy nhất đổi thay là khát khao được sống. Sống như chính mình.

Lẽ dĩ nhiên, Meiko hoàn toàn tuyệt vọng. Nếu nói rock là sự sống của Taneda, thì Taneda cũng là sự sống của Meiko vậy. Cô gái trẻ ấy không biết được rốt cuộc bản thân cô muốn gì, muốn trở thành gì, những gì cô làm chỉ là mở mắt ra và đối mặt với việc phải-sống. Căn hộ nhỏ, cây guitar xanh trên giá, khoảnh sân để xe, mặt trời, bóng tối.

Meiko chỉ còn lại một mình.

Cô bắt đầu làm việc tại một cửa hàng hoa, không mấy lắng nghe những câu quan tâm vụng về của cậu bé đồng nghiệp, dựa đầu lên vai Ai-chan và im lặng, hút thuốc trong đêm. Người ta hút thuốc khi thấy cô đơn. Trong đêm, điếu thuốc cháy đỏ vẽ lên thực tại cô đơn tàn nhẫn. Meiko không khóc. Cô đã quá đớn đau và mệt mỏi để rơi nước mắt rồi.

Meiko nói cô muốn chơi cho ban nhạc, trong vị trí trước kia thuộc về Taneda. Đó không phải khát vọng của cô, chẳng phải cô đã tim ra một điều gì để vươn tới. Meiko chỉ mong muốn rằng, bằng cách đó cô có thể hiện thực hóa giấc mơ của Taneda qua chính mình. Cô nói, tớ muốn hát Solanin. Đó không hẳn là một bài hát chia tay người yêu, Meiko nói, tớ nghĩ nó còn là bài hát để chia tay quá khứ nữa.

Billy và Katou, phần còn lại của Rotti, tay trống và tay bass lại tưởng nhớ về Taneda theo một cách khác. Với Katou, cậu ép mái tóc xù của mình và mặc những bộ đồ công sở, như thế cậu bắt đầu đi kiếm việc làm. Billy cởi bỏ chiếc áo blouse của gia đình, mặc bộ đồ đen bó sát và đeo kính râm, bỏ chiếc mô tô và đi xe đạp. Tất thảy cái tôi trước kia của họ khi có Taneda đã chết mất rồi, như thể họ đã gửi những lớp vỏ của họ về với Taneda.

Và như thế, tất cả bắt đầu một cuộc sống mới, không hẳn là mới, từa tựa như một sự thay đổi dần được thành hình.

Solanin kết thúc bằng chính ca khúc cùng tên, khúc ca tạm biệt, tạm biệt gì? Quá khứ, hồi ức, cả những khát vọng chẳng bao giờ thành, Taneda Naruo, những mất mát và lỗ trống trong lòng, vết thương đã thành sẹo. Những gì hiển hiện là một sân khấu vàng rực, cùng tiếng hát thô của Meiko, tiếng trống vang vào lồng ngực, tiếng bass nhịp đều đặn hòa với tiếng guitar. Giây phút đó, chúng ta đã chính thức trưởng thành. Trưởng thành vốn dĩ rất đau, đau đến độ nếu không vượt qua được thì chúng ta sẽ chết. Nhưng nếu vượt qua, nếu lại có thể tiếp tục đi và đứng tiếp, chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều. Tạm biệt, và cảm ơn. Đau đớn để trưởng thành. Một quá trình khắc nghiệt.

Có một câu nói của Billy thế này: “Nếu cậu cứ mãi viết ra những điều không vừa lòng trong cuộc sống, thì nó sẽ chẳng bao giờ dừng lại đâu. Đối với tớ, được sống thôi là đã quá đủ rồi”

Chốt lại, xuyên suốt Solanin là nỗi sợ hãi phải-sống. Sống với những mộng mơ kiệt quệ, sống với ngày mai lặp đi lặp lại, sống như thể đang đi trong một vòng tròn. Ở chính giữa của nơi vô cùng đó, sẽ có những người ngồi lại, nghỉ ngơi rồi đi tiếp, cũng có những người nằm xuống và ngủ quên. Đối với họ, tỉnh dậy để sống là một điều quá khó khăn, quá tàn bạo. Để rồi, họ chọn cách chạy trốn và buông tay.

Khép lại Solanin là việc Meiko quyết định chuyển nhà. Căn hộ trống nhỏ bé nhìn ra khoảnh sân và bờ đê, Meiko muốn để lại đây tất cả những hồi ức về Taneda đã ăn sâu vào tiềm thức. Cô mang cây guitar của anh trên lưng, và dưới bầu trời cao lồng lộng ấy, nhìn về phía trước và những người bạn ấy, Meiko tiếp tục cho phép mình hi vọng.

Solani không quá cầu kỳ, thực ra nó rất đơn giản. Mọi thông điệp đều được truyền tải bằng những điều bình dị nhất, đó là con người. Như mong đợi, tôi mệt mỏi hơn rất nhiều sau khi xem xong phim. Giống như nơi tôi đang sống đã dung hòa vào Tokyo của Solanin, vào thế giới của Meiko và Taneda vậy. Nơi đó những giấc mơ thành hình, nơi đó trưởng thành là một điều đau đớn. Nhưng như mọi khi, khi nhớ lại và ngẫm nghĩ, tôi thỏa lòng vì đã xem trọn vẹn. Bởi đâu đó trong tận sâu thẳm này, Solanin đã để lại cho tôi một vết thương khá lớn, một vết thương về hi vọng và tuyệt vọng, về lời nhắc nhở cuộc sống không phải là mơ. Nhưng, nên nhớ một điều, cuộc sống này làm chúng ta mạnh mẽ. Lửa thử vàng. Sau những đớn đau, chúng ta sẽ sáng choang và trở nên quí giá.

Không có một bài học nào được đưa ra trong phim. Tất cả tùy thuộc vào nhận thức của mỗi người.

Với tôi, sống là một chuyến du hành khắc nghiệt. Đúng vậy, khắc nghiệt, nhưng thú vị. Để đạt được bất kể điều gì, ta đều phải chịu đựng những tổn thương. Nhưng hãy nhớ, dù có đau đớn đến đâu, rồi nhất định nó cũng sẽ trôi qua. Một lúc nào đó, bầu trời này sẽ rửa đi tất cả.

Đến lúc ấy, chúng ta sẽ lại bắt đầu.

Comments