Trích đoạn: Luận về yêu - Alain de Botton.
❁ Điều kinh hãi nhất là làm sao chúng ta có thể lý tưởng hóa người khác như thế, khi mà bản thân chúng ta còn phải vật lộn mới dung thứ được cho chính mình.
❁ Ai khi yêu cũng mong mình không tìm thấy ở người kia những gì ta biết là thuộc về mình, toàn bộ sự yếu hèn, chầy đuối, lười nhác, thiếu trung thực, thỏa hiệp và xuẩn ngốc.
❁ Chúng ta tung vòng hoa tình yêu quanh người được chọn và quyết định rằng mọi thứ bên trong đó ít nhiều không chứa đựng những khuyết điểm của bản thân ta. Chúng ta nhìn thấy bên trong người kia một sự hoàn mỹ để tránh phải nhìn vào bên trong mình, và qua sự hòa hợp với người mình yêu, ta hy vọng giữ lại một niềm tin mong manh (dẫu rằng trái với tất thảy những gì ta biết) và chủng loài mang tên mình.
❁ Tôi biết có một khoảng trống mà sự say sưa tình ái có thể khỏa lấp, tôi biết niềm hồ hởi của việc nhận ra ai đó, bất cứ ai, là đáng yêu. Từ lâu trước khi để ý Chloe, hẳn tôi đã cần tìm ở khuôn mặt người khác một sự vẹn nguyên mà tôi chưa bao giờ tìm thấy ở bản thân mình.
❁Những người kém tài ăn nói thường chọn giao tiếp bằng cách viết.
❁ Khao khát đã biến tôi thành một kẻ ham mê săn tìm manh mối, một kẻ loạn óc lãng mạn, đi tìm ý nghĩa trong mọi thứ.
❁ Khi nhìn ai đó (một thiên thần) từ địa vị một kẻ yêu đơn phương và tưởng tượng những khoái cảm có thể có khi ở cùng họ trên thiên đường, chúng ta sẽ có khuynh hướng lờ đi một mối nguy hại to lớn: sức hấp dẫn của họ sẽ mau chóng phai nhạt đến thế nào nếu họ cũng đem lòng yêu chúng ta. Chúng ta ngã vào tình yêu bởi vì khao khát trốn thoát sự sa đọa của bản thân cùng với ai đó ta xem là lý tưởng. Nhưng nếu có ngày con người ấy lại đi yêu chúng ta thì sao? Sốc lắm chứ. Làm sao họ có thể thánh thiện như chúng ta hy vọng, khi mà gu của họ tệ hại đến độ chấp nhận một người như ta? Nếu để mà yêu, chúng ta phải tin rằng người ta thương vượt trội chúng ta theo cách nào đó, chẳng hóa ra thật là một nghịch lý tai ác khi chúng ta chứng kiến tình yêu này được hồi đáp ư? "Nếu anh/cô ấy quá tuyệt vời, làm sao anh/cô ấy có thể yêu một người như mình?"
❁ Albert Camus cho rằng chúng ta ngã lòng yêu người khác bởi vì, nhìn từ bên ngoài, họ trông quá toàn vẹn, toàn vẹn vừa theo nghĩa vật lý vừa cảm tính - trong khi khách quan mà nói, chúng ta cảm thấy phân tâm và mơ hồ. Chúng ta sẽ không yêu nếu bản thân chúng ta không có điểm gì khiếm khuyết, nhưng chúng ta bực bội vì phát hiện ra một sự khiếm khuyết tương tự ở người khác. Hy vọng tìm thấy câu trả lời, chúng ta chỉ tìm thấy bản sao trục trặc của chính chúng ta.
❁ Thường thì người ta không yêu những gì mình có.
❁ Trong tình yêu, không có gì ngoài niềm khao khát cuồng loạn những thứ lẩn tránh chúng ta.
❁ Có lẽ, dễ khiến ta yêu nhất là những người mà chúng ta không biết gì.
❁ Làm gì có chuyện vừa nói về yêu cứ vừa cứ thế mà sống, và nếu cứ thế mà sống, không phải lúc nào ta cũng được yêu.
❁ Ta quan tâm đến con, thế nên ta sẽ làm con khó chịu, ta đã ban cho con một viễn tưởng về con người con nên là, bởi vậy ta sẽ làm con đau.
❁ Sự tự do duy nhất xứng đáng vinh danh là tự do mưu cầu điều gì tốt cho ta, theo cách của riêng ta, miễn là chúng ta đừng tìm cách tước đi điều tốt của người khác, hay ngăn trở người khác đạt được nó... Mục đích duy nhất để quyền lực có thể được thực thi chính đáng với bất kỳ thành viên nào của một xã hội văn minh, chống lại ý muốn của anh ta, là việc ngăn anh ta không khỏi bị người khác làm hại. Lợi ích của anh ta, bất kể về thể chất hay tinh thần, đều không phải là điều kiện đủ để bảo đảm. - John Stuart Mill, Bàn về Tự Do.
❁ Tình yêu là một cuộc mưu cầu cô độc.
❁ Chúng ta thường dễ dàng hoài nghi khi đó không phải vấn đề sống còn: chúng ta hoài nghi hết mức có thể, và dễ nhất là nghi ngờ những thứ về cơ bản không cứu sống chúng ta. Rất dễ để hoài nghi sự hiện hữu của một cái bàn, nhưng đâu dễ để nghi ngờ tính hợp thức của tình yêu.
❁ Chân lý luôn ở đẳng cấp cao hơn so với ảo tưởng.
❁ Có lẽ đúng là chúng ta không thực sự tồn tại cho đến khi có ai đó thấy chúng ta tồn tại, chúng ta không thể lên tiếng một cách chính đáng cho đến khi có ai đó có thể hiểu được chúng ta nói gì, và về thực chất, chúng ta không hoàn toàn sống cho đến khi chúng ta được yêu.
❁ Chúng ta không thể tiến đến một cảm giác thích hợp về bản thân mình nếu không có những người khác xung quanh chỉ cho thấy mình như thế nào. "Một người có thể đạt được bất cứ gì trong nỗi cô đơn ngoại trừ một cá tính."
❁ Yêu ai đó tức là quan tâm sâu sắc đến họ, và nhờ đó giúp ta hiểu dày dặn hơn về những gì họ làm và nói.
❁ Tất cả mọi người đều gửi trả một cảm xúc khác nhau về bản thân chúng ta, bởi chúng ta đều ít nhiều trở thành người như họ nghĩ. Bản ngã của chúng ta có thể được sánh với con trùng a-míp, với màng tế bào dãn nở, và bởi vậy thích nghi với môi trường. Không phải a-míp không có kích thước, mà chỉ đơn giản là nó không có hình dạng tự-xác định. Một người ngớ ngẩn hẳn sẽ tìm thấy phần ngớ ngẩn trong tôi, và một người nghiêm trọng sẽ nhìn thấy ở tôi điều tương tự. Nếu ai đó nghĩ tôi là người hay xấu hổ, có thể rồi tôi sẽ xấu hổ, nếu ai đó nghĩ tôi hài hước, biết đâu tôi lại có thói quen kể chuyện cười.
❁ Hầu hết mọi người đều hiểu sai về chúng ta, bất kể là do vô tâm hay định kiến. Ngay cả việc được yêu cũng hàm chứa một thành kiến thô kệch - một sự bóp méo để làm hài lòng, nhưng dù sao vẫn là bóp méo.
❁ Không đôi mắt nào có thể chứa đựng toàn bộ cái "tôi" của chúng ta.
❁ Bất kể chúng tôi có thể gần gũi thế nào, Chloe rốt cuộc vẫn là một con người khác, với toàn bộ sự huyền bí và khoảng cách mà cụm từ ấy bao hàm, thứ khoảng cách không thể tránh được, biểu hiện trong suy nghĩ rằng chúng ta phải chết trong cô độc.
❁ Tôi là ai được kiến tạo bởi những gì tôi muốn.
❁ Em có yêu anh, đủ để anh có thể yếu đuối trước em hay không? Ai mà chẳng muốn mạnh mẽ, nhưng em có yêu anh vì sự yếu đuối của anh không? Đó mới là bài kiểm tra xác đáng. Em có yêu anh, bất chấp anh mất đi mọi thứ, chỉ cần những gì thuộc về anh mãi mãi?
❁ Tôi khao khát được yêu ngay cả khi mất mọi thứ: không còn lại gì ngoài "tôi," một cái "tôi" bí ẩn vẫn là bản ngã ngay tại điểm yếu đuối nhất, dễ tổn thương nhất.
❁ Tự do suy nghĩ đòi hỏi lòng can đảm để đối mặt với lũ quỷ của chúng ta.
❁ Nếu người ta nhắm mắt lại, thế giới bên ngoài cũng ảo ảnh như một giấc mơ.
❁ Chỉ cần người ta không suy nghĩ, một sự thật khó chịu có thể sẽ không tồn tại.
❁ Theo Immanuel Kant, một hành động đạo đức khác với hành động vô luân ở chỗ nó được thực hiện nhờ bổn phận, không quan tâm tới nỗi đau hay khoái cảm bao hàm. Tôi cư xử có đạo đức chỉ khi nào tôi làm điều gì đó mà không cân nhắc mình có thể thu lại được gì, chỉ khi nào tôi được thôi thúc bởi bổn phận. - Immanuel Kant, Nền Móng của Siêu Hình Học.
❁ Các hành động được thực hiện như là kết quả của ý muốn không thể coi là có đạo đức, thứ trực tiếp chống lại cách nhìn vị lợi về đạo đức dựa trên thiên hướng.
❁ Điều căn cốt trong lý thuyết của Kant là đạo đức chỉ được tìm thấy trong động cơ mà theo đó một hành động được thực hiện. Việc yêu ai đó là đạo đức chỉ khi nào tình yêu đó được trao bất vụ lợi, tình yêu đó được trao chỉ vì đó là yêu.
❁ Mọi người đều đòi hỏi những gì làm hài lòng và mê mẩn anh ta, tốt thôi; và cái ác làm anh ta bất mãn: trong khi mỗi người đều khác nhau về tâm khí, họ cũng khác nhau về sự phân biệt giữa thiện và ác. Cũng không có cái gọi là agathon haplos, tức là, tốt đơn thuần... - Thomas Hobbes, Các Yếu Tố Luật.
❁ Trước tiên, người ta gọi những hành động cá nhân là tốt hay xấu bất chấp động cơ của chúng mà chỉ dựa vào những kết quả hữu ích hay gây hại. Tuy vậy, người ta sẽ sớm quên gốc tích sự mệnh danh đó và tin rằng tốt và xấu là phẩm tính cố hữu trong bản thân các hành động, bất chấp những kết quả của chúng... - Friedrich Nietzsche, Con Người, Tất Thảy Đều Quá Người.
❁ Sự ngạo mạn của việc muốn được yêu đã phát sinh, chỉ là bây giờ nó không được báo đáp - tôi bị bỏ lại một mình với nỗi khao khát, với sự bất khả chống đỡ, bên ngoài luật đạo đức, vô cùng thẳng thừng trong đòi hỏi: Yêu anh đi! Nhưng vì lý do gì? Tôi chỉ có tầm thường như mọi ngày với một lý do không đủ: Bởi vì anh yêu em...
❁ Nhìn mọi thứ trượt ra khỏi tầm tay mình, tôi kết luận rằng cách duy nhất để đoạt lại ít nhất một cách thức kiểm soát là tự kết liễu.
❁ Vì không thể bộc lộ cảm xúc, con người trở thành loài vật duy nhất có khả năng tự sát.
❁ Người là loài sinh vật biểu tượng, ẩn dụ: không thể bày tỏ nỗi giận dữ, tôi biểu tượng hóa nó bằng cái chết của chính mình.
❁ Việc kết liễu mình là có thể quên đi rằng tôi đã chết ngắc, để có thể thu lấy bất cứ niềm vui nào từ vở kịch mê lộ về sự tuyệt diệt của chính mình.
❁ Khoái cảm của tự sát không nằm ở nhiệm vụ tàn độc là giết một sinh vật, mà ở các phản ứng của người khác trước cái chết của tôi.
❁ Tôi đã dần bị nhiễm độc với nỗi buồn của riêng mình, tôi đã chạm đến tầng bình lưu của nỗi đau đớn.
❁ Cảm giác về phẩm hạnh nảy sinh tự phát trên mảnh đất màu mỡ của nỗi đau. Càng đau đớn, người ta càng có tiết hạnh.
❁ Thế giới là một thực thể vẫn sẽ tiếp diễn bất kể tôi đang yêu hay không yêu, hạnh phúc hay không hạnh phúc, sống hay chết.
❁ Lòng khôn ngoan dạy chúng ta rằng những thôi thúc đầu tiên không phải lúc nào cũng đúng, những ham muốn sẽ dẫn ta đi chệch hướng nếu chúng ta không rèn luyện lý trí nhằm tách biệt những nhu cầu phù phiếm khỏi các nhu cầu đích thực.
❁ Sự khôn ngoan dạy chúng ta kiểm soát trí tưởng tượng của mình, bằng không trí tưởng tượng sẽ bóp méo hiện thực và biến những ngọn núi thành đụn đất và cóc nhái thành công chúa. Nó bảo chúng ta kiềm chế nỗi sợ của mình, để biết sợ hãi trước những gì sẽ làm hại mình, nhưng không hoài phí năng lượng để chạy trốn những cái bóng trên tường. Nó bảo chúng ta không nên sợ cái chết, và chúng ta chỉ nên sợ hãi chính tự thân nỗi sợ.
❁ Được cổ xúy theo gần như mọi cách, triết lý của tình yêu chín chắn nằm ở nhận thức chủ động về cái thiện và cái ác trong mỗi con người, chất đầy sự ôn hòa, chống lại sự lý tưởng hóa, hoàn toàn không có lòng ghen tuông, khổ dâm hay ám ảnh, nó là một hình thức của tình bạn với một chiều kích tính dục, dễ chịu, thanh thản và được hồi đáp (và có lẽ giải thích tại sao hầu hết những ai đã biết đến bến bờ hoang dã của lòng khao khát sẽ từ chối gọi sự không đau đớn của nó bằng tước hiệu tình yêu).