Nhật ký mở 10/16: về viết và những chuyện đau lòng.
Viết ngày 4 tháng 10, 2016 (cũ đến mới)
1.
Tôi không biết một con dơi nghĩ gì về thế giới bên ngoài. Tôi không biết nó có bao giờ thắc mắc về những gì mà nó chưa từng nhìn thấy hay không. Một con dơi thì sẽ chỉ bay ra ngoài kiếm ăn khi đêm xuống, và nó vĩnh viễn nói không với mặt trời. Tôi không biết một con dơi thì có cảm thấy đau lòng khi nghĩ về những việc như thế hay không, bởi vì tôi cho rằng nó thực sự hạnh phúc với cuộc đời khiêm tốn của mình. Tôi không nghĩ một con dơi lại có thể sống được nếu người ta đột nhiên túm lấy nó và nhốt nó vào chuồng gà, tát vào mặt nó và bảo nó hãy thu cánh lại và cư xử như một con gà đúng mực, đúng vậy, nằm yên, đi bách bộ, và tập gáy vào mỗi sáng. Điều tôi thắc mắc là liệu nó có chết không? Một con dơi-gà thì có lý do gì để tồn tại? Nó cứ sống yên vị trong cái hang của mình đến hết đời thì có sao? Đâu sao, đúng không? Nó xứng đáng được sống theo cách mà nó đã được định, bởi vì xét cho cùng đó là ý của Thượng Đế. Vậy thì sự ra đời của con dơi-gà cũng là ý của Thượng Đế, chẳng phải thế à? Đấng Toàn Năng khi buồn chán thì hay thích tạo ra các loài lai tạp, xem xem chúng sẽ làm thế nào để sinh tồn, và nếu mà chúng đủ khả năng thì sẽ trở thành một cuộc cách mạng sinh học, một cuộc tiến hóa. Nếu thất bại thì thế nào? Thì đơn giản là không đủ mạnh để vượt qua cuộc sát hạch sẽ làm nó bị đá văng ra khỏi cuộc chiến của toàn nhân loại, chết không có đất chôn và chẳng ai thèm bận tâm nhớ đến. Nó vĩnh viễn biến mất khỏi dòng thời gian của lịch sử, chết chìm giữa hằng ha sa số những con tạp chủng khác, đứa này chồng lên đứa kia mà chết ngập trong dòng nước dịch đậm đặc của sự thất vọng được thần thánh hóa. Chúng là những đứa trẻ bị ruồng bỏ và không được chúc phúc, những con quái vật được tạo ra từ sự hợp nhất không thể lý giải, không có cách nào bào chữa ngoại trừ việc Thượng Đế muốn thế. Đôi khi sự diệt vong trở thành một lời nguyện cầu, một khúc hát ru, mà trong đó giữa những dòng là Thần Chết đang chờ đợi cùng cây lưỡi hái của mình, lăm le chặt phăng cổ tất thảy những kẻ không may bị ném xuống dòng sông Styx.
2.
Tôi không biết vì sao mình lại ngừng viết. Tôi đã từng nói về điều này trước đây, rằng không viết nữa tức là tôi chẳng còn gì để nói, và chẳng còn muốn nói về bất cứ điều gì, với bất kì ai. Hay có lẽ là vì bây giờ tôi đã lớn, và như có thế có nghĩa là tôi cần có trách nhiệm với những gì tôi gửi ra bên ngoài, những thứ của tôi, thuộc về tôi, bởi vì không phải tất cả chúng đều đẹp. Ồ không, bạn thân mến, tôi sợ rằng chẳng có thứ gì đẹp đẽ cả khi tôi mở lồng ngực mình ra, và tất cả những gì có ở đó là một trái tim đen kịt. Nó đầu độc tôi, và như thế là đủ rồi.
Một lần có một người đàn ông nói với tôi rằng, việc chưa từng có một mối quan hệ yêu đương nào biến tôi thành một kẻ không bình thường, một đứa kỳ quái, và rằng ở nơi ông sống, những đứa con gái 12 tuổi đều biết những gì chúng cần biết về con trai; đúng thế, chúng biết tất cả. Những điều mà tôi không biết. Tôi đã trả lời ông ta rằng một mối quan hệ thật phức tạp, còn tôi, tôi không giỏi với những thứ cầu kỳ, nhằng nhịt và đòi hỏi nhiều sự quan tâm đến thế. Ý tôi là, duy trì được tình bằng hữu giữa tôi và chính bản thân mình đã là một công việc vất vả, không hề đơn giản và chúng tôi không thể thực sự ở bên nhau quá mười lăm phút. Thử hỏi với một kẻ đến ngay cả trái tim hay khối óc mình còn không nắm bắt được thì bảo sao tôi có thể đương đầu nổi với một mớ dây thần kinh hay quả tim đập bình bình trong lồng ngực của người khác?
Gần đây tôi nhận ra rằng mình cần dành nhiều thời gian để ở một mình. Ở một mình không phải là ở yên trong phòng và xem Friends hết tập này đến tập khác, không, ý tôi là ở một mình tức là hoàn toàn đơn độc, tuyệt đối yên lặng lắng nghe tâm trí mình. Nó thích nói chuyện, điều đó thì đã rõ, nhưng tôi chưa bao giờ để ý rằng nó thích nói về những điều mà tôi không hiểu, và đôi khi nó còn nói dối nữa. Tâm trí của tôi nói dối tôi, hay nói một cách thông cảm hơn thì là nó không thể nói ra sự thật một cách chân thành. Đôi khi nó làm tôi phát điên, và thi thoảng nó còn khiến tôi muốn biến mất nữa. Là nó không thể chịu được thế giới này, hay là thế giới quá yên ổn nên nó mới phải quậy tung lên? Tôi không biết nữa, vì thật là vất vả cho nó khi mà bận bịu nghĩ ngợi về ti tỉ thứ như thế còn phải nghĩ thêm về những ý nghĩ của riêng mình.
Tôi chưa bao giờ là một kẻ ngủ mơ, nhưng những ngày này tôi nằm mơ, có thể nói là hàng đêm. Phần lớn những giấc mơ chỉ tồn tại khi nó đang xảy ra, ồ phải, thật là giống cuộc đời của chúng ta. Khi tôi tỉnh dậy tôi liền quên mất chúng. Đó có phải là chết rồi tái sinh trong một thân xác khác hay không? Ta không nhớ mình đã sống ra sao trong những kiếp trước, cũng giống như những giấc mơ, chúng biến mất và đôi khi ngay cả khi ta nhớ mình đã nằm mơ, những chi tiết cũng đều bị xóa mờ. Vậy đó là cái chết, bạn của tôi, sự sống mỗi ngày là cái đến sau khi chết. Có lẽ sống và chết không khác nhau đến thế, và có lẽ cũng như ánh sáng và bóng tối trong mối quan hệ tương hỗ, sống – chết cũng vậy. Cái này không thể thiếu cái kia, và nếu cái này biến mất, cái kia cũng sẽ không tồn tại. Không thể sống mãi mà không chết, và người ta sẽ bất tử nếu chưa từng sống bao giờ.
3.
Việc viết lách, xét cho cùng, là một cách thỏa hiệp với hiện thực. Năm 16 tuổi, tôi viết như điên. Là sao? Là viết liên tục, viết không ngơi nghỉ, viết nhiều và viết mà không để ai ngăn cản mình viết, không nghe ai khuyên bảo mình đừng viết, không để ai đọc, không xem trọng việc có cần phải sống hay không để có thể viết được. Năm 20 tuổi, đột ngột ngừng viết. Đột ngột không thể viết được nữa, không thể làm gì được nữa. Quá trình đó xảy ra rất từ từ, không hề đau đớn. Tôi đã luôn rất cố gắng để viết ra những dòng này, những từ này, miêu tả vì sao tôi không tài nào viết được, dù chỉ là một chữ. Những thứ tôi đang viết ra đây đến từ một thế giới bí mật xuyên qua tôi, nhưng thế giới đó không còn tươi đẹp nữa. Tôi nhận ra một phần trong lòng mình đã chết. Cái giếng đã cạn trơ đáy. Mạch nước đã đổi hướng. Người gánh nước sau nhiều lần quay trở lại, đã không còn quay trở lại.
Chim không hót được, lá không rụng xuống, cây không ra quả, ong không tìm hoa.
Tôi cho rằng có lẽ vì thế mà tôi không còn khao khát được sống nữa. Sự thôi thúc cơ bản mà người ta cần phải có để hít thở, để đi vào bếp nấu ăn, để tranh cãi khi niềm tin bị đụng chạm, những điều dữ dội ấy mà người ta thường giải thích rằng đó là sự sống không ngừng thoái trào, như đại dương; người ta không dùng những từ đó khi nói về hoang mạc. Tôi nhiều phần nghĩ, mình đã biến thành hoang mạc. Tất nhiên đó là sự khô cằn, đó là không sinh vật nào có thể sống được, đó là một nơi mà chẳng ai muốn đến, nơi mà nếu đến thì chỉ muốn quay về. Nơi đó là, hoang mạc trong lòng tôi, là nơi mà khi đêm xuống người ta có thể nghe được tiếng nó khóc.
4.
“VIẾT TRUNG THỰC VỀ TẤT CẢ MỌI THỨ”
Tôi luôn biết khi nào thì cơ thể mình không khỏe. Tôi luôn biết được khi nó xảy ra. Trước tiên nó đến chậm rãi bằng các tín hiệu, sau đó như một cơn mưa dai dẳng trút xuống mặt hồ bơi ngoài trời.
Đôi khi tôi không biết mình đang nghĩ về điều gì nữa. Điều đó xảy ra ngày một nhiều hơn, rất thường xuyên như việc ăn cơm, uống nước. Như vậy cũng tốt.
Bây giờ thì, hãy nói một chút về thế giới. Nói về thứ mà tôi không biết, đó là cách mà tôi giao tiếp. Những thứ mà tôi biết, tôi giữ yên lặng về chúng, ngấm ngầm thẩm thấu chúng không để ai hay biết. Vì sao? Ai có thể lấy đi những điều mà tôi biết? Ai có thể lấy đi những thứ đã được ghim chặt vào tôi, chắc chắn đến nỗi chúng đã trở thành tôi? Ai có thể tước đoạt đi cái mà tôi đang là, ngay lúc này?
Tôi là cái gì, ngay lúc này?
Tôi cho rằng mình là một tổ hợp của nhiều thứ. Không có cái gì gọi là “tôi” cả. “Tôi” trên thực tế là một hỗn số được kết thành từ rất nhiều các vi thể khác. Tôi đã đọc một ít về thuyết lượng tử, nói rằng vật chất được cấu thành từ nhiều hạt nhỏ, và các hạt đó được liên kết bằng một dạng năng lượng giữ chúng trôi nổi trong không gian. Chúng ta là những khoảng không khép kín. Tại một điểm thời gian, chúng ta mở ra để thu nạp một lượng không gian khác, hòa tan, và đôi khi thì bị rút mòn.
Comments
Post a Comment